Một số di tích, đền thờ tiêu biểu Hành cung Vũ Lâm

Điện Hành Cung

Di tích còn lại của cung điện ở thôn Hành Cung, xã Ninh Thắng, Hoa Lư là một mảnh đất rộng 2 sào, cao hơn mặt ruộng 1m, nay gọi là khu đình Sen, nằm ở phía đông nam thôn Hành Cung, cách đường Thiên Lý, đoạn từ Ba Vuông qua cầu Yên tới Ghềnh gần như trùng với quốc lộ số một hiện nay gần 1 km. Cách đó khoảng 300m về phía bắc có vườn Kho hay vườn Vầu tương truyền là nơi để kho lương của nhà Trần. Cách thôn Hành Cung 500m về phía nam là đến Đông hay bến Hạ Trạo tương truyền quy định từ đây phải hạ mái chèo bơi nhẹ nhàng để vào am Thái Vi. Như vậy là trên đoạn đường dài 4 km theo hướng tây - đông từ am Thái Vi ra tới cung điện đầu tiên ở thôn Hành Cung, từng đoạn truyền thuyết của nhân dân địa phương thì ở thôn Khê Đầu Hạ lối vào hang Múa sang Thái Vi Trần Thái Tông cũng lập một trạm gác kiên cố.

Chùa Khai Phúc

Chùa Hành Cung hay còn có tên chữ là Khai Phúc Tự, thuộc thôn Hành Cung, xã Ninh Thắng, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Trong khi tiến hành trùng tu, tu bổ đã đào xung quanh phần toà Tam Bảo của chùa. Bên hông tường, phía tay trái nhìn từ ngoài vào dưới độ sâu chưa đầy 30 cm so với mặt bằng của vườn quanh chùa đã xuất lộ nhiều gạch ngói vỡ, ken dày vào đó là những viên cuội tròn có đường kính từ 10 đến 18 cm tạo thành nền móng.

Di tích chùa Hành Cung ở thôn Hành Cung với những gì đã xuất lộ đang được nghiên cứu tại chỗ và mở rộng phạm vi nghiên cứu làm sáng tỏ về một hành cung dưới triều Trần đã góp phần vào chiến thắng quân Nguyên Mông cũng như tìm hiểu về Lịch sử Phật giáo, tư tưởng Phật giáo của Trần Thái Tông và các vua dưới triều Trần kế tiếp.[13]

Đền Thái Vi

Đền Thái Vi với nghệ thuật chạm khắc đá

Đền Thái Vi là một ngôi đền nằm ở thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư tỉnh Ninh Bình. Đây là một nơi thờ các vua đầu nhà Trần như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, các tướng Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải và hoàng hậu Thuận Thiên, là những người đã lập ra hành cung Vũ Lâm, một cứ địa trong kháng chiến chống Nguyên Mông.

Trước đền có giếng ngọc xây bằng đá xanh. Sau đền là dãy núi đá Cấm Sơn. Phía ngoài của Nghi môn, hai bên có đặt hai con ngựa bằng đá xanh nguyên khối. Qua Nghi Môn có gác chuông làm bằng gỗ lim, các mái lợp ngói mũi hài. Ở đây treo một quả chuông đúc từ năm Chính Hoà thứ 19. Đối diện với gác chuông theo đường chính đạo là tháp bia và ba tấm bia dựng hai bên. Tháp bia bốn mặt ghi công đức những người có công cúng tiến xây dựng đền. Đường chính đạo và sân rồng đều lát đá xanh. Sân rồng rộng khoảng 40m2. Hai bên sân rồng là hai dãy nhà Vọng - nơi xưa kia các cụ bàn việc tế lễ. Từ sân rồng bước theo các bậc đá có độ cao 1,2m là đến Ngũ đại môn (5 cửa lớn) có 6 hàng cột đá tròn song song đều được chạm khắc nổi long vương chầu vào chính diện. Mặt ngoài các cột đá đều chạm khắc các câu đối bằng chữ Hán. Các xà hiên cũng làm bằng đá, chạm khắc lưỡng long chầu nguyệt.

Qua 5 cửa lớn là đến 5 gian Bái Đường uy nghi, cũng có 6 cột đá vuông chạm khắc các câu đối ở mặt ngoài, các mặt khác chạm khắc nổi: long, ly, quy, phượng, cá chép hoá long. Tiếp theo là ba gian Trung Đường với hai hàng cột đá tròn, mỗi hàng 4 cột, đều được chạm khắc nổi long vân. Ở đây đặt nhang án đá. Hai bên có đôi hạc gỗ cao hơn 2 mét và hai bộ chấp kích thờ sơn son thiếp vàng. Qua Trung Đường vào năm gian Chính Tẩm cũng có 8 cột đá tròn được chạm khắc nổi: cầm, kỳ, thi, hoạ. Di tích am Thái Vi hiện còn đến nay là một khu đất rộng khoảng sáu sào, xung quanh có lũy đất, ở giữa là ngôi đền.

Trong Cung khám của Chính Tẩm ở giữa là tượng thờ Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, các tướng Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải và hoàng hậu Thuận Thiên. Như thế đền Thái Vi thờ 4 đời vua nhà Trần. Hai bên tả hữu là hai tượng kim đồng ngọc nữ đứng hầu nhà vua. Tại khu di tích đền Thái Vi còn một am nhỏ là nơi vua Trần Thái Tông đã cho lập lên và ở đó tu hành trong thời gian cuối đời.

Lễ hội đền Thái Vi

Lễ hội đền Thái Vi được tổ chức từ ngày 14 đến ngày 17 tháng 3 âm lịch nhằm tưởng nhớ công lao các vua đời đầu nhà Trần đã được thờ tại đền Thái Vi.[14]

Lễ rước kiệu với nghi lễ của một đoàn rước đi đầu là một chiếc trống cái do hai người khiêng và một người mặc áo thụng đi hia, đội mũ cánh én làm thủ hiệu trống, rồi đến 5 người cầm 5 lá cờ ngũ hành, tiếp đó đến kiệu bát cống trên đặt bài vị các vua Trần, Hoàng hậu, hay công chúa đời Trần, hương hoa lễ vật. Kiệu có lọng cắm, màu đỏ đung đưa trông rất đẹp mắt. Tiếp đó là kiệu 4 người khiêng bày lễ vật là hương hoa, oản quả. Sau đó là phường bát âm, rồi tới ban tế do ông chủ tế dẫn đầu đi hàng hai. Rước kiệu ở đền Thái Vi không chỉ có một đoàn, mà là trên dưới 30 đoàn.[15] Sáng ngày 14 -3 kiệu từ các nẻo đường trong huyện, trong tỉnh rước về đền Thái Vi trong không khí tưng bừng của ngày hội. Các cỗ kiệu đều được sơn son thếp vàng lộng lẫy do các thanh niên ăn mặc theo phong tục lễ hội xưa.

Lễ tế là nghi lễ quan trọng, tổ chức ở trước đền. Ban tế gồm từ 15 đến 20 người, gồm một ông chủ tế, một ông đọc văn tế, hai ông xướng tế và mỗi bên tả hữu có từ 5 đến 10 ông để thực hiện việc tiến hương, tiến tửu. Ông đọc văn tế đọc khúc văn tế ca ngời công đức của vua Trần Thái Tông được trình bày qua nghệ thuật diễn xướng. Sau mỗi khúc tế, lại có hai người phường trò, người nam chơi đàn, người nữ dẫn giải bằng lối ca trù.

Phần hội: có các trò chơi giân gian như múa lân, múa rồng, đánh cờ người, đấu vật, bơi thuyền...Đến dự lễ hội đền Thái Vi du khách có dịp thăm các danh thắng của Ninh Bình. Đó là đền Thái Vi, Tam Cốc, Bích Động, Động Tiên, Xuyên Thuỷ động. Đền Thái Vi là một di tích lịch sử văn hóa đồng thời điểm du lịch trong tuyến du lịch văn hóa sinh thái Tam Cốc - Bích Động.

Đền Trần

Đền Trần trấn Nam Hoa Lư tứ trấn

Đền Trần Ninh Bình là một di tích thuộc Hoa Lư tứ trấn. Đền do vua Đinh Tiên Hoàng xây dựng cùng thời với đền Hùng ở Phú Thọ, sau này vua Trần Thái Tông về đây lập hành cung Vũ Lâm xây dựng lại bề thế hơn[16] nên được gọi là đền Trần. Đền Trần là nơi thờ thần Quý Minh, vị thần trấn cửa ải phía nam Hoa Lư tứ trấn.[17] Đền còn có tên là đền Nội Lâm (ngôi đền trong rừng). Đền Trần Nội Lâm cùng với Vũ Lâm, Văn Lâm hợp thành Tam Lâm dưới Triều đại nhà Trần. Lễ hội đền Trần Ninh Bình diễn ra vào ngày 18 tháng 3 âm lịch hàng năm.

Khi nạo vét ở các hang động Tràng An gần khu vực đền Trần, các nhà khoa học phát hiện được nhiều di tích quan trọng khẳng định đó cũng là nơi sinh hoạt của các phân quyền ngày xưa ở thế kỷ thứ 14, nhà Trần như nồi gốm, các bát đĩa cổ. Các phế tích này rất giống với các phế tích tìm thấy ở Hoàng thành Thăng Long. Điều này là minh chứng rõ nét cho khẳng định Tràng An đồng thời cũng là kinh đô kháng chiến chống Nguyên Mông của Triều đại nhà Trần.[18]

Chùa Linh Cốc

Chùa Linh Cốc nằm trong núi chùa Móc. Chùa quay hướng tây, phía trước là một cánh đồng nước. Theo văn bia đặt ở chùa, Linh Cốc có từ triều vua Trần Thánh Tông. Sân chùa rộng ở ngay chân núi, hai bên sân có nhà thờ tổ. 3 gian quay hướng tây bắc, đặt tượng thờ thánh tăng là đức A Nam Đà và đức tổ tây, mũi cao, tóc quăn, râu quai nón là người Ấn Độ. Nhà trai 5 gian, quay hướng đông nam.Điện Mẫu quay lưng vào sườn núi, hướng tây nam, xây dựng theo kiểu chữ " Tam". Hậu cung là một gian thờ Tam Toà Thánh Mẫu gồm: Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải, Mẫu Liễu Hạnh. Thiêu hương gồm 3 gian thờ Công Đồng Thánh Mẫu, Tiền Đường 5 gian, gian cuối bên tay trái có treo quả chuông.

Di tích khác

Cách trung tâm của am Thái Vi khoảng 300m về phía đông là một trạm gác đầu tiên gọi là cửa Quan hay Tam Quan. Cửa quan rộng 5m được tạo thành bởi hai quả núi nhỏ chắn giữa hai bên, con đường vào am Thái Vi băng qua giữa. Trần Thái Tông đã triệt để lợi dụng địa hình ở đây để làm các trạm gác. Cách đó khoảng 300m nữa là trạm gác thứ hai ở chỗ miếu gò Mưng. Trạm này cũng được hình thành bởi một quả núi nhở chắn ở phía bắc đường. Gần đó có một cầu đá bắc qua sông Ngô Đồng gọi là cống Rồng. Cách trạm gác thứ hai 300m nữa là trạm gác thứ ba còn gọi là cửa Quen. Cửa này được hình thành bởi một quả núi chấn giữ, con đường vào Thái Vi phải qua một cái quèn nhỏ. Phía bên ngoài cách đó khoảng 200m là đình Các tương truyền là một trạm đón tiếp của nhân dân Giáp Cật và cũng là nơi các quan tập trung sửa áo mũ để chuẩn bị vào am Thái Vi. Cách đình Các khoảng 2 km là làng Tuân Cáo, tương truyền là một trạm kiểm soát khi vào Thái Vi. Một người ra vào phải "bá cáo" tại đây. Cách Tuân Cáo khoảng 1 km là thôn Hành Cung. Theo truyền thuyết của nhân dân địa phương thì đây là nưi Trần Thái Tông lập cung điện đầu tiên. "Thái Vi quốc tế ngọc ký" cho biết hành cung Vũ Lâm mà Trần Nhân Tông tu hành là chỗ đình Sen. Đình sen này đã mất, nhưng theo nhân dân địa phương thì trước đây đình Sen thờ Trần Nhân Tông. Trần Nhân Tông ở đây nhưng thường vào am Thái Vi mà sau này trở thành điện Thái Vi thờ Trần Thái Tông.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Hành cung Vũ Lâm http://119.15.167.94/qdndsite/vi-VN/61/43/van-hoa-... http://traveltovietnam.biz/vn/?product.cat.156 http://www.quangduc.com/vietnam/chuaviet/ninhbinh/... http://info24h.net/?m=news&a=page_newsdetail&newsi... http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/du-lich/2010/05/3ba... http://www.ninhbinhtourism.com.vn/modules.php?name... http://www.ninhbinhtourism.com.vn/modules.php?name... http://www.tamcocbichdong.com.vn/Infodetails.aspx?... http://www.mofa.gov.vn/quocte/tg7,04/thai%20vi%20b... http://mail.ninhbinh.gov.vn/web/guest/the-thao/vie...